728x90 AdSpace

Latest News
Sunday, February 11, 2018

Bài 7: TRÍ NHỚ


I. KHÁI NIỆM TRÍ NHỚ:
1. Trí nhớ là gì?
Trí nhớ là quá trình tâm lý phản ánh vốn kinh nghiệm của con người dưới hình thức biểu tượng bằng cách ghi nhớ, giữ gìn, nhận lại và nhớ lại những điều mà con người đã trải qua.
2.Vai trò của trí nhớ:
Trí nhớ có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống và hoạt động của con người. Không có trí nhớ thì không có kinh nghiệm, không có kinh nghiệm thì không thể có bất cứ một hoạt động nào, không thể phát triển tâm lý, nhân cách con người.
II. CÁC QUÁ TRÌNH CƠ BẢN CỦA TRÍ NHỚ:
1. Quá trình ghi nhớ:
Ghi nhớ là khâu đầu tiên của hoạt động trí nhớ. Đó là quá trình tạo nên dấu vết của đối tượng trên vỏ não, đồng thời cũng là quá trình gắn tài liệu mới vào chuỗi kinh nghiệm đã có của bản thân.
Có nhiều hình thức ghi nhớ.. Căn cứ vào mục đích của ghi nhớ ta có thể có ghi nhớ không chủ định và ghi nhớ có chủ định.
Ghi nhớ không chủ định: Là loại ghi nhớ không cần phải đặt ra mục đích ghi nhớ từ trước, không đòi hỏi phải nỗ lực ý chí hoặc dùng một cách thức nào để ghi nhớ, tài liệu được ghi nhớ một cách tự nhiên.
Ghi nhớ có chủ định: Là loại ghi nhớ theo một mục đích đã định từ trước, đòi hỏi nỗ lực ý chí, lựa chọn các biện pháp, thủ thuật để ghi nhớ.
Có hai cách ghi nhớ có chủ định:
Ghi nhớ máy móc: Là loại ghi nhớ dựa trên sự lặp đi lặp lại tài liệu nhiều lần một cách đơn giản, tạo ra mối liên hệ bề ngoài giữa các phần của tài liệu cần ghi nhớ không cần hiểu nội dung tài liệu đó.
Ghi nhớ ý nghĩa: Là loại ghi nhớ dựa trên sự thông hiểu nội dung tài liệu, trên sự nhận thức những mối liên hệ lôgíc giữa các bộ phận của tài liệu đó.
2. Quá trình giữ gìn:
Là quá trình lưu giữ những thông tin đã ghi nhớ bằng cách củng cố những dấu vết đã hình thành trên vỏ não.
Có hai hình thức giữ gìn là giữ gìn tiêu cực và giữ gìn tích cực.
Giữ gìn tiêu cực: Là sự giữ gìn dựa trên sự tri giác lặp đi lặp lại nhiều lần một cách đơn giản, thụ động tài liệu cần ghi nhớ.
Giữ gìn tích cực: Là sự giữ gìn bằng cách nhớ lại trong óc tài liệu đã ghi nhớ, không cần tri giác tài liệu đó.
3. Quá trình nhận lại và nhớ lại:
Nhận lại: Là khả năng nhận ra đối tượng nào đó trong điều kiện tri giác lại đối tượng đó.
Nhớ lại: Là khả năng làm sống lại những hình ảnh sự vật, hiện tượng đã được ghi nhớ trước đây trong não, khi sự vật hiện tượng không còn ở trước mắt.
Nhận lại và nhớ lại đều có thể không chủ định và có chủ định.
4. Quên:
Quên là biểu hiện của sự không nhận lại hay nhớ lại được hoặc là nhận lại hay nhớ lại sai.
Trong một số trường hợp sự quên là cần thiết. Về một mặt nào đó quên là hiện tượng hợp lý và có ích.
III. CÁC LOẠI TRÍ NHỚ:
Có nhiều căn cứ để phân loại trí nhớ.
Căn cứ vào nội dung phản ánh trong trí nhớ, người ta chia trí nhớ thành: Trí nhớ vận động, trí nhớ cảm xúc, trí nhớ hình ảnh và trí nhớ từ ngữ lôgíc.
Căn cứ vào tính chất mục đích của hoạt động trí nhớ được chia thành: Trí nhớ không chủ định và trí nhớ có chủ định.
Căn cứ vào thời gian củng cố và giữ gìn tài liệu mà phân biệt trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn.
Căn cứ vào sự ưu thế, chủ đạo của giác quan nào trong trí nhớ mà người ta có thể chia ra thành trí nhớ bằng mắt, trí nhớ bằng tai, trí nhớ bằng tay…
Tất cả các loại trí nhớ có quan hệ chặt chẽ, bổ sung cho nhau tạo nên một thể thống nhất trong kho tàng trí nhớ của con người.
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 comments:

Post a Comment

Item Reviewed: Bài 7: TRÍ NHỚ Rating: 5 Reviewed By: Genm