728x90 AdSpace

Latest News
Sunday, February 11, 2018

Bài 2: Ý THỨC VÀ VÔ THỨC


I. Ý THỨC:
1.Khái niệm:
Ý thức là một hình thức phản ánh tâm lý cao nhất chỉ riêng con người mới có. Đó là khả năng con người hiểu được các tri thức (hiểu biết) mà người đó đã tiếp thu  được.
Có thể ví ý thức như “ cặp mắt thứ hai” soi vào kết quả (các hình ảnh tâm lý) do “cặp mắt thứ nhất“  (cảm giác, tri giác, trí nhớ, tư duy, cảm xúc…) mang lại. Với ý nghĩa đó có thể nói: Ý thức là tồn tại được nhận thức.
2. Đặc điểm của ý thức:
Các hiện tượng tâm lý có ý thức của một người đều được người đó nhận thức. Nghĩa là, con người biết rõ mình đang làm gì, nghĩ gì, hiểu rõ hành vi của bản thân đúng hay sai, tốt hay xấu.
Ý thức được biểu hiện bằng ngôn ngữ. Con người dùng ngôn ngữ để nhận xét, đánh giá phân tích những hiện tượng tâm lý của mình.
Các hiện tượng tâm lý có ý thức của một người thường bao hàm thái độ ít nhiều rõ rệt của người ấy.
Ở mức độ cao, ý thức thường được kèm theo sự dự kiến trước, tính có chủ định… và nhờ đó mà dẫn tới hành động.
3. Sự hình thành và phát triển ý thức:
Khác với con vật, con người không chỉ thích ứng một cách thụ động với môi trường không chỉ lấy những gì có sẵn trong thiên nhiên mà con người chủ yếu tác động làm biến đổi thiên nhiên để tạo ra những sản phẩm thoả mãn nhu cầu của mình. Sở dĩ con người làm được như vậy là nhờ lao động. Lao động là một quá trình đòi hỏi con người phải thấy trước kết quả lao động, có chương trình lao động, có phương pháp lao động, biết phân tích đánh giá kết quả lao động. Làm như vậy, chính là ý thức. Như vậy ý thức ra đời trong lao động.
Khi lao động cùng nhau, con người cần phải nói với nhau ý muốn của họ, xác định mục đích của cả nhóm, cùng nhau bàn bạc… Nhờ đó làm nảy sinh ngôn ngữ. Nhờ ngôn ngữ con người gọi tên sự vật, hiện tượng, đánh giá hành vi, hành động của mình hay của cả nhóm. Như vậy ngôn ngữ là một yếu tố hình thành nên ý thức.
Lao động là một dạng hoạt động tập thể. Ngôn ngữ là hiện tượng xã hội. Vì vậy, ý thức ngay từ đầu là sản phẩm của xã hội và luôn luôn là sản phẩm của xã hội. Cùng với lao động và ngôn ngữ, xã hội là yếu tố hình thành nên ý thức.
Ở mỗi người, ý thức hình thành bằng hoạt động của bản thân thông qua sản phẩm của hoạt động, trong quan hệ giữa mình và người khác và sử dụng ngôn ngữ của mình làm công cụ.
II. VÔ THỨC:
1. Khái niệm:
Trong cuộc sống, cùng với các hiện tượng tâm lý có ý thức, chúng ta thường gặp những hiện tượng tâm lý chưa có ý thức diễn ra chi phối hoạt động của con người (người mắc chứng mộng du, người bị thôi miên…). Hiện tượng tâm lý không ý thức, chưa nhận thức được, trong tâm lý học gọi là vô thức.
Vô thức là các hiện tượng tâm lý mà con người chưa nhận thức được, không diễn đạt được bằng ngôn ngữ cho mình và cho người khác hiểu.
2. Đặc điểm của vô thức:
Con người không nhận thức được các hiện tượng tâm lý, các hành vi, cảm nghĩ của mình. Những cảm nghĩ mà con người không nhận ra được, chúng như ẩn náu trong một “ cõi lòng” tối tăm, nhưng vẫn chi phối hành vi.
Không diễn đạt được bằng ngôn ngữ cho mình và cho người khác hiểu.
Vô thức không bao hàm thái độ của con người. Lúc ở trạng thái vô thức, con người không nhận xét, đánh giá gì về hành vi, thái độ, ngôn ngữ, cách cư xử của mình.
Vô thức thường không kèm theo sự dự kiến trước, không có chủ định
3. Vai trò của vô thức:
Vô thức đôi khi đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh, điều khiển hành vi của con người. Qua phân tích các hành vi biểu hiện ở trạng thái vô thức giúp ta hiểu được các hiệ tượng tâm lý (thái độ, suy nghĩ, quan hệ… của con người)
Toàn bộ đời sống tâm lý trẻ từ lọt lòng đến khoảng 15 – 18 tháng tuổi do vô thức điều khiển. Một số biểu hiện vô thức trong đời sống tâm lý của trẻ là:
+ Trẻ chưa nhận ra được sơ đồ thân thể của mình, chưa nhận biết mình đau ở đâu…
+ Chưa biết chủ động hướng âm thanh ngôn ngữ về phía người thân quen.
+ Chưa biết nhận ra mẹ, ra người thân.
+ Chưa sử dụng được âm thanh, lời nói để diễn đạt được nhu cầu sinh lý của mình.
+ Trẻ làm theo, nói theo, bắt chước hành vi của người lớn một cách không chủ định…
III. TỰ Ý THỨC:
1.Khái niệm:
Tự ý thức là sự phản ánh bản thân mình theo một mẫu mực nào đó và cố gắng hoạt động theo đúng khuôn mẫu đó.
Tự ý thức là mức độ phát triển cao của ý thức. Tự ý thức bắt đầu hình thành từ tuổi lên ba. Thông thường tự ý thức biểu hiện ở các mặt sau:
+ Cá nhân tự nhận thức về bản thân mình từ bên ngoài đến nội dung tâm hồn, đến vị thế và các quan hệ xã hội.
+ Có thái độ đối với bản thân, tự nhận xét, đánh giá.
+ Tự điều khiển, tự điều chỉnh hành vi theo mục đích tự giác.
+ Có khả năng tự giáo dục, tự hoàn thiện
2. Vai trò của tự ý thức:
Tự ý thức tạo điều kiện cho con người tự điều khiển, điều chỉnh thái độ, hành vi, hành động của họ.
Giúp con người xác định mục đích phù hợp, đánh giá mục đích hành động trong mối tương quan với những đặc điểm của bản thân, lựa chọn các phương tiện, biện pháp hành động phù hợp với khả năng, nhu cầu của bản thân.
Tự ý thức là điều kiện để con người trở thành chủ thể hành động độc lập, trở thành chủ thể của xã hội.
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 comments:

Post a Comment

Item Reviewed: Bài 2: Ý THỨC VÀ VÔ THỨC Rating: 5 Reviewed By: Genm